Hội thảo khoa học về Pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong kỉ nguyên số root 28/03/2023 Tin tức - Sự kiện 3 Views Ngày 28/3, Khoa Luật – Trường Đại học Mở Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong kỉ nguyên số: Những vấn đề lý luận và thực tiễn ở Việt Nam hiện nay”. Chương trình nhận được sự quan tâm tham dự của nhiều nhà quản lý, nhà khoa học, cán bộ, giảng viên và học viên, sinh viên các ngành luật tại Trường Đại học Mở Hà Nội. TS Hồ Ngọc Hiển – Phó trưởng Khoa Luật nhấn mạnh tầm quan trọng của Hội thảo Phát biểu khai mạc, TS Hồ Ngọc Hiển – Phó trưởng Khoa Luật gửi lời cảm ơn đến các nhà khoa học, các chuyên gia và các cán bộ, giảng viên đã dành thời gian, tâm huyết đến tham dự Hội thảo. Đồng thời cho biết: Hơn hai thập kỷ qua đánh dấu sự phát triển vượt bậc của Việt Nam trong ứng dụng những thành tựu khoa học kĩ thuật liên quan tới máy tính và internet. Ngày nay, sự phát triển của các thiết bị điện tử cùng với sự bùng nổ của các nền tẩng số như mạng xã hội, các ứng dụng thương mại điện tử, thanh toán, vận tải, lữu trữ đám mây…đã trở thành một động lực quan trọng giúp thúc đẩy sự phát triển của không chỉ Việt Nam mà cả toàn cầu. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực luôn tồn tại những tiềm ẩn nguy cơ, bên cạnh các cơ hội to lớn là các thách thức không hề kém. Rủi ro mà mỗi cá nhân khi sử dụng máy tính, internet là một ví dụ cụ thể. Kể từ khi máy tính và internet xuất hiện các cá nhân đã luôn phải đối mặt với nguy cơ bị đánh cắp, mua bán trái phép dữ liệu. Ngày nay, các hành vi xâm phạm đến dữ liệu cá nhân đã trở nên phổ biến, phức tạp, tinh vi, khó nhận biết và khó xử lý hơn rất nhiều. Bởi lẽ, các ứng dụng mạng, các công cụ số đã từng ngày từng giờ thu thập, xử lý và lưu trữ một lượng lớn dữ liệu cá nhân (thường được liên tưởng đến thuật ngữ Big Data). Thực tế, một người không biết dữ liệu cá nhân bị xâm phạm ra sao, hay mình có thể phải đối mặt với những nguy cơ nào, hay mình có những quyền gì đối với dữ liệu cá nhân, có các công cụ pháp lý nào để bảo vệ dữ liệu cá nhân của mình. Các sinh viên cùng các chuyên gia, các nhà khoa học tập trung thảo luận, phân tích, đóng góp ý kiến tại Hội thảo “Tin tưởng rằng với tiền đề là những đóng góp tích cực dưới dạng những báo cáo, tham luận khoa học, các đại biểu tham dự sẽ cùng có những trao đổi cởi mở dưới tinh thần học thuật cao nhất để từ đó cùng nói lên tiếng nói của mình trong công cuộc thích ứng với thời đại của ngành luật học, thích ứng với kỷ nguyên số, góp phần khẳng định giá trị bền vững của pháp luật trong kỷ nguyên số đầy cơ hội cũng như đầy thách thức này, nơi quyền con người cần phải được tiếp tục khẳng định, bảo đảm thực hiện và được tăng cường bảo vệ hơn nữa”, TS Hồ Ngọc Hiển nhấn mạnh. Trong khuôn khổ chương trình, các đại biểu đã nghe các báo cáo viên trình bày 08 tham luận: – TS Nguyễn Văn Luật – Nguyên Trưởng khoa Luật, Trường Đại học Mở Hà Nội trình bày tham luận “Bảo vệ dữ liệu cá nhân trên mạng là bảo vệ các quyền số hoá của con người trong kỷ nguyên số” – TS Nguyễn Văn Quân – Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia HN trình bày tham luận “Một số thách thức của ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đối với quyền con người” – ThS Nguyễn Thị Long – Giảng viên Bộ môn Luật Dân sự, Trường Đại học Luật Hà Nội trình bày tham luận “Một số vấn đề lý luận về dữ liệu cá nhân và bảo vệ dữ liệu cá nhân” – ThS Ngôn Chu Hoàng – Giảng viên Khoa Luật, Trường Đại học Mở Hà Nội trình bày tham luận “Một vài luận giải về nguồn gốc của quyền đối với dữ liệu cá nhân” – TS Nguyễn Như Hà – Trưởng khoa Luật Kinh tế, Học viện Chính sách và phát triển trình bày tham luận “Phân tích liên ngành luật học về bảo đảm quyền riêng tư” – NCS ThS Nguyễn Đức Bình – Nghiên cứu viên Trường Đại học Kinh tế – Luật, Đại học Quốc gia TP HCM, Cố vấn pháp lý cấp cao Công ty Luật LTT & Lawyers trình bày tham luận “Các biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân từ khía cạnh của chủ thể dữ liệu” – TS Đàm Thị Diễm Hạnh – Phó trưởng Khoa Luật, Trường Đại học Mở Hà Nội trình bày tham luận “Bảo vệ dữ liệu cá nhân: cân bằng giữa "quyền được lãng quên” với quyền tự do ngôn luận trong pháp luật của liên minh châu âu và một số kiến nghị cho Việt Nam” – ThS Phạm Thị Hậu, NCS tại Viện nghiên cứu quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia HCM – Chuyên viên chính, Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ trình bày tham luận “Bảo vệ quyền bí mật dữ liệu cá nhân trong pháp luật quốc tế, pháp luật của một số quốc gia và kinh nghiệm cho Việt Nam”. Hình ảnh các cán bộ, giảng viên, các chuyên gia, nhà khoa học trình bày tham luận trực tiếp và trực tuyến tại Hội thảo Các bài tham luận đều có sự tham gia thảo luận, phân tích, đánh giá được những nội dung trọng tâm liên quan đến pháp luật bảo vệ dữ liệu cá nhân trong thời đại mới. Trong đó, các nghiên cứu khoa học có đối tượng và phạm vi cụ thể, chủ yếu tập trung vào miêu tả, phân tích, xử lý các vấn đề lý luận và thực tiễn ở Việt Nam hiện nay. Nhiều báo cáo có những góc nhìn mới, kinh nghiệm quốc tế, trên cơ sở đó đưa ra các kết luận có giá trị cao để từ đó có những đánh giá và bài học cho Việt Nam. Kết luận Hội thảo, TS Hồ Ngọc Hiển – Phó trưởng khoa trân trọng ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến phát biểu đầy trách nhiệm, tâm huyết và đi sâu vào các vấn đề đặt ra tại Hội thảo. Trong đó kết luận một số vấn đề như: 1. Tại Việt Nam, khung pháp lý về bảo vệ dữ liệu cá nhân hiện chưa được hoàn thiện. Các quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân còn nằm rải rác nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau như Hiến pháp (2013), Luật Công nghệ thông tin (2006), Luật An toàn thông tin mạng (2015)…Ngoài ra, tại các văn bản cũng đang có cách tiếp cận và sử dụng khái niệm dữ liệu cá nhân khác nhau dẫn đến những bất cập hiện hữu trong quá trình thực thi. Chính vì vậy, trong tương lai không xa cùng với việc Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân có thể sẽ sớm được ban hành và có hiệu lực, việc tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân là xu thế tất yếu. Vậy nên, có thể khẳng định chắc chắn rằng nghiên cứu về pháp luật bảo vệ dữ liệu cá nhân tại Việt Nam sẽ còn nhiều dư địa. 2. Có rất nhiều cách tiếp cận vấn đề pháp luật bảo vệ dữ liệu cá nhân từ phương diện lịch sử, lý luận, pháp luật thực định, thực tiễn, từ pháp luật trong nước đến kinh nghiệm quốc tế, từ góc độ quản lý nhà nước, góc độ bảo vệ quyền con người. Mỗi cách tiếp cận lại đưa đến một cách diễn giải và triển khai pháp luật về bảo vệ dữ liệ cá nhân khác nhau. Do đó, việc tiếp tục nghiên cứu và xây dựng cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn toàn diện cho việc xây dựng và tiếp tục hoàn thiện pháp luật bảo vệ dữ liệu cá nhân tại Việt Nam là vô cùng cần thiết. 3. Có rất nhiều kinh nghiệp xây dựng, thực thi, phát triển pháp luật bảo vệ dữ liệu cá nhân trên thế giới. Việt Nam tất nhiêm cần nghiên cứu học hỏi một cách chủ động tích cực, một mặt vừa đón nhận những bài học này để giảm bớt thời gian, chi phí. Nhưng một mặt cũng phải tránh những sai lầm mà các nước đi trước đã gặp phải. Tuy vậy, việc lựa chọn và học hỏi các hình mẫu phù hợp cũng rất quan trọng. Giống như chọn mẫu trong thí nghiệm và so sánh, việc tiếp tục tham khảo và học hỏi các kinh nghiệm phù hợp để đưa đến những bài học cho Việt Nam trong xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ dữ liệu các nhân cũng sẽ là một lĩnh vực nghiên cứu đầy hứa hẹn. Tập thể sư phạm Khoa Luật cùng các chuyên gia, các nhà khoa học chụp hình lưu niệm tại Hội thảo “Trong thời gian tới các đại biểu tiếp tục đóng góp ý kiến, qua đó qua đó góp phần nâng cao trình độ và năng lực nghiệp vụ, hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo cho Khoa Luật nói riêng và cho Nhà trường nói chung”, TS Hồ Ngọc Hiển mong muốn. 2023-03-28 root Chia sẻ Facebook Pinterest